Đại Nguyên Hoàng hậu Bốc Đáp Thất Lý

Năm 1328, Đồ Thiếp Mục Nhi thuận lợi giành ngai vàng từ Thiên Thuận Đế, lấy hiệu Nguyên Văn Tông[5]. Ông lập Vương phi Bốc Đáp Thất Lý làm Hoàng hậu.

Tuy nhiên năm sau (1329), Văn Tông nhường ngôi cho Hòa Thế Lạt, tức Nguyên Minh Tông[6]. Ông được Minh Tông phong Hoàng thái đệ, còn bà là Thái đệ phi. Ngày 8 tháng 9 năm đó, Văn Tông phục vị sau khi giết anh đoạt ngôi. Bốc Đáp Thất Lý lại trở thành Đại Nguyên Hoàng hậu, cử hành lễ phong và nhận sách, bảo.

Năm Thiên Lịch thứ 3 (1330), Hoàng hậu hạ sinh Đích trưởng tử A Lạt Thắc Nạp Đáp Lạt (阿剌忒纳答剌; Aradnadara). Văn Tông rất vui, đích thân đại xá thiên hạ. Tháng giêng năm sau, Hoàng tử được phong Hoàng thái tử. Vì muốn dè chừng gia quyến Minh Tông, bà xử tử vợ ông, Hoàng hậu Bát Bất Sa và đày con trai ông là Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhi đến Cao Ly để bảo đảm ngôi vị cho con mình. Thế nhưng tháng sau Thái tử chết yểu[7]. Đế-Hậu vô cùng đau xót, lập tức gửi hai người con là Cổ Nạp Đáp Lạt (古纳答剌, Gunadara) cho Yên Thiếp Mộc Nhi nuôi nấng, đổi tên Yên Thiếp Cổ Tư và bắt nhận Yên Thiếp Mộc Nhi làm cha[8]; người con còn lại là Bảo Ninh (宝宁, Baoning) được gửi cho một nông dân nhận nuôi, đổi tên Thái Bình Nột. Tuy nhiên Thái Bình Nột cũng mất sớm[9]. Tin chắc đây là điềm gở, Văn Tông bắt đầu ân hận việc ám sát huynh trưởng năm xưa, quyết truyền ngôi cho hậu duệ của Minh Tông để chuộc lỗi.